Theo kết quả khảo sát của Quỹ tái chế chất thải TP.HCM, thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt của TP chiếm tỷ lệ rất cao. Trong đó, chất thải rắn ở siêu thị, trung tâm thương mại chiếm 20,16%; khu vực văn phòng chiếm 14,3%; hộ gia đình chiếm 8,9%. Ước tính, mỗi năm tại TP.HCM có khoảng 250.000 tấn chất thải có thành phần nhựa.
Trong đó, khoảng 50.000 tấn chất thải từ nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác. Nếu dân số TP.HCM giữ tốc độ tăng bình quân 3,5% (tự nhiên và cơ học) và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TP.HCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người) thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm, sẽ là một gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của TP. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng: nếu TP đầu tư công nghệ hiện đại thì tái chế nhựa sẽ mang lại lợi ích lớn về kinh tế và môi trường. Theo khảo sát của các doanh nghiệp, việc sử dụng phế liệu nhựa làm cho giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 30%, sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm hơn 15%.
Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là 300.000 đồng/tấn, như vậy, nếu 50.000 tấn chất thải nhựa đang được chôn lấp được tái chế, TP sẽ tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng/năm.